Cách phòng ngừa bệnh xoắn khuẩn vàng da hiệu quả

Bệnh xoắn khuẩn vàng da là một bệnh từ động vật truyền sang người do xoắn khuẩn. Vậy, cách phòng ngừa bệnh như thế nào mới hiệu quả?

Bệnh xoắn khuẩn vàng da là một bệnh truyền nhiễm với các triệu chứng có thể có bao gồm: không có biểu hiện gì, biểu hiện nhẹ (đau đầu, đau cơ và sốt) cho đến rất nặng như chảy máu ở phổi hoặc viêm màng não, suy thận và xuất huyết… Vậy làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả, bài viết sau đây sẽ giúp bạn!

Nguyên nhân bệnh xoắn khuẩn vàng da

Tác nhân gây bệnh là Leptospira thuộc loài gây bệnh (vì có một Leptospira khác sống tự do không gây bệnh).

Hình thái

Leptospira hình xoắn, mảnh, có móc ở 2 đầu nên còn gọi là xoắn khuẩn móc giúp Leptospira có thể chui sâu vào mô vật chủ. Trên kính hiển vi nền đen nhìn thấy Leptospira như sợi chỉ lóng lánh như bạc, di động nhanh.

Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài

Sức đề kháng của Leptospira tuy yếu nhưng cao hơn so với các loại xoắn khuẩn khác. Leptospira có thể sống lâu trong nước, nhưng ở môi trường có pH tan thì không phát triển được. Leptospira chịu được lạnh và sống được 1 tuần trong nhiệt độ thường ở môi trường máu đã loại tơ huyết. Leptospira bị chết ở 56 độ C trong 10 phút, ở dịch dạ dày trong 30 phút và bị diệt bởi nước javelle và phenol.

Phương thức lây truyền

Leptospira có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm nước tiểu súc vật sẽ xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là chỗ da bị xước và có thể chui qua lỗ chân lông của da bị ngâm nước hoặc qua niêm mạc ở các hồ bơi bị nhiễm xoắn khuẩn.

Tính cảm nhiễm và miễn dịch

Mọi người đều cảm nhiễm với bệnh xoắn khuẩn vàng da nhưng biểu hiện lâm sàng của bệnh không giống nhau, chủ yếu là tuỳ thuộc vào týp huyết thanh gây bệnh. Miễn dịch đặc hiệu týp được tạo thành sau khi mắc bệnh hoặc dùng vắc xin dự phòng nhưng không có miễn dịch chéo ở các týp gây bệnh khác nhau.

Nguồn truyền nhiễm

Chủ yếu là súc vật gặm nhấm (như chuột cống, chuột đồng, súc vật gậm nhấm ở rừng) bị nhiễm khuẩn không có triệu chứng và trở thành vật lành mang xoắn khuẩn. Nguồn truyền nhiễm còn có gia súc chỉ mang xoắn khuẩn sau một thời kỳ mắc bệnh thực sự và là súc vật khoẻ mang xoắn khuẩn như chó, mèo, lợn (viêm ruột, sảy thai), bò (sảy thai, đái ra huyết sắc tố), ngựa (vàng da).

Các biện pháp phòng và chống dịch

Biện pháp phòng bệnh: Để phòng bệnh, cần thực hiện một số biện pháp sau đây:

– Các chuồng trại chăn nuôi gia súc, lò mổ… phải cao ráo, có nền cứng dễ thoát nước, thường xuyên được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng, tẩy uế khi cần thiết.

– Những người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm Leptospira phải được trang bị bảo vệ da, niêm mạc như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt…

– Tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, các lò mổ, bể bơi… cần phải kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ quần thể chuột, các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.

– Không được tắm ở những khúc sông mà gia súc đến uống nước và ở hồ có nước cống đổ vào. Khi có dịch gia súc địa phương, thì cần phải bảo vệ các sông hồ không để nước tiểu nhiễm vào, bằng cách tổ chức cho gia súc uống nước cách xa sông hồ được dùng để lấy nước ăn uống.

Điều quan trọng là bản thân những người làm việc ở những nơi có nguy cơ lây bệnh, phải nhận thức được các dường truyền nhiễm và hiểu các biện pháp phòng bệnh cá nhân.

Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu

– Ở những nơi có bệnh xoắn khuẩn tiềm tàng, nên tiêm vaxin chết cho những công nhân chăn nuôi, công nhân mổ, công nhân cống, nông dân. Vaxin này có hiệu lực đã phổ biến trong thú y và đang được kiểm tra ở người qua các thí nghiệm dịch tễ học.

– Riêng bệnh Weil: Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất là diệt chuột, vì chúng là nguồn dự trữ tác nhân gây bệnh có trong thiên nhiên (tất cả các công trình, kể cả cống rãnh dưới mặt đất và nền móng của các ngôi nhà, phải làm thế nào cho chuột không xâm nhập vào được; tiến hành các biện pháp diệt chuột một cách có hệ thống).

Trên đây là những biện pháp phòng tránh bệnh xoắn khuẩn vàng da. Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Share:

You might also like